Răng khôn rõ ràng không…. “khôn” như tên gọi của nó. Chỉ hai từ thôi cũng đã là nỗi ám ảnh và mang lại cảm giác đau đớn cho nhiều người. Không chỉ gây khó chịu, việc không có kiến thức và phương pháp xử lý đúng cách thậm chí có thể mang lại những biến chứng nguy hiểm và hậu quả khó khắc phục. Chính vì thế, việc bổ sung kiến thức về loại răng này là điều vô cùng cần thiết. Bài viết sau đây sẽ điểm tên một số sự thật thú vị xung quanh chiếc răng “nhiều thị phi” trên.
Răng khôn là gì?

Răng khôn, hay còn được gọi là răng số 8, là chiếc răng mọc cuối cùng trên hàm. Một người trưởng thành thường có 28 chiếc răng cùng 4 chiếc răng số 8. Thông thường, độ tuổi mọc răng số 8 sẽ kéo dài từ 17 – 25 tuổi. Đây là “loại răng” thường xuyên gây tranh cãi bởi chức năng của nó không thật sự rõ ràng nhưng luôn mang lại phiền toái. Giới nha khoa vẫn chưa thống nhất việc nên giữ hay loại răng này.
Trên thực tế, nếu được “ông bà phù hộ”, răng số 8 của bạn vẫn có thể mọc bình thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Thông thường, do không đủ chỗ, răng số 8 sẽ mọc lệch, chen chỗ của các răng khác rồi sưng tấy, gây đau đớn. Nhiều người vẫn thường nói đùa răng răng khôn là thứ răng “sinh sau đẻ muộn” lại rất thích “ăn cướp – la làng”.
Vì sao mọi người hay nói “răng khôn mọc dại”?
“Răng khôn mọc dại” là cách nói về những tác hại “tai quái” của chiếc răng này. Đã không có chức năng đặc biệt, răng số 8 còn mang lại những biến chứng phiền toái và thậm chí là nguy hiểm. Hãy cùng điểm qua những tác hại mà “răng dại” gây ra.
Mọc răng khôn gây sốt và sưng má

Răng số 8 khi mọc sẽ phá vỡ màn chắn lớp niêm mạc trong miệng. Điều này dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn tích tụ thành các mảng bám. Khi răng số 8 mọc, vùng nướu xung quanh sưng tấy, gây nên tình trạng sốt và đau nhức kéo dài. Không chỉ sốt, mọc răng số 8 còn gây sưng má, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Răng khôn mọc chen chúc
Khi răng số 8 mọc, do không đủ chỗ nên dẫn đến tình trạng răng mọc ngược. Chưa kể, răng này sẽ “chen lấn”, “cướp đất” của răng bên cạnh. Điều này dẫn đến tình trạng viêm răng số 7. Trong một số tình trạng nặng, bệnh nhân có thể mất luôn răng số 7 này.
Viêm trùng lợi răng khôn

Viêm trùng lợi răng khôn là một dạng bệnh lý phổ biến ở phần nướu bọc quanh răng khôn. Khi răng số 8 mọc sẽ tạo ra một kẽ hở giữa răng và nướu. Đây là địa điểm “lý tưởng” cho thức ăn vướng vào. Khi không được vệ sinh sạch sẽ, các mảnh thức ăn tồn đọng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm. Độ tuổi chủ yếu mắc chứng viêm lợi răng khôn là từ 19 – 25 tuổi. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra những bệnh lý nền như viêm nha chu mãn tính.
Bệnh viêm nha chu, sâu răng
Viêm nha chu là tình trạng phần nướu bị viêm gây, sưng đỏ, gây nên hôi miệng, sâu răng, chảy máu chân răng… Viêm nha chu lâu ngày sẽ tạo cơ hội để vi khuẩn xâm nhập vào chân răng gây tụt nướu, hình thành túi nha chu, phá hủy ổ xương và thậm chí mất răng.
Có nên nhổ răng khôn không? Khi nào thì nên nhổ răng khôn

Phải nhắc lại rằng, răng số 8 thực chất không có chức năng về nhai hay thẩm mỹ lại còn gây đau đớn và phiền toái. Theo thống kê của Hiệp hội chăm sóc răng miệng Hoa Kỳ, 85% răng khôn không thể tồn tại lâu trong khoang miệng con người. Vậy nên, nếu có một trong những triệu chứng sau đây thì có nghĩa là bạn đã “hết duyên” với chiếc răng phiền toái này rồi:
Răng số 8 mọc gây đau đớn, nhiễm trùng lặp lại nhiều lần, gây ảnh hưởng đến răng bên cạnh
Giữa răng số 8 và răng bên cạnh có khe hở giắt thức ăn, tương lai sẽ gây ảnh hưởng răng bên cạnh
Răng không mọc bình thường nhưng lại không có răng đối diện ăn khớp làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện
Răng khôn gây nên bệnh nha chu, sâu răng lan rộng
Những lưu ý khi nhổ răng khôn

Nhổ răng khôn trong một vài trường hợp kể trên là cần thiết, tuy nhiên, bạn vẫn nên chăm sóc cẩn thận răng lợi trước trong và sau quá trình nhổ răng khôn để hạn chế tối đa biến chứng mà việc nhổ răng mang lại. Cụ thể như sau:
Về ăn uống: Sau khi nhổ, bạn nên tránh những loại thức ăn cứng và bắt đầu làm quen với các loại thức ăn mềm như cháo. Bạn cũng nên tránh những loại thức ăn nóng hay dùng ống hút vì có thể làm bật cục máu đông ra khỏi lợi. Tránh những thức ăn cay, dính, chứa nhiều caffein…
Sử dụng gel chlorhexidine: Đây là loại gel có tác dụng giảm đau hiệu quả, đồng thời hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn. Bạn nên sử dụng gel vào ngay hôm sau khi nhổ răng theo chỉ định của bác sĩ. Bạn nên hỏi trước bác sĩ vì trong một số trường hợp, bệnh nhân không cần sử dụng gel này.
Đánh răng và vệ sinh miệng cẩn thận: 24h sau khi nhổ răng, bạn có thể nhẹ nhàng vệ sinh răng miệng. Bạn nên vệ sinh xung quanh, tránh đưa bàn chải đến vùng răng nhổ
Nghỉ ngơi nhiều: Nghỉ ngơi nhiều giúp bạn ổn định huyết áp, tạo điều kiện để hồi phục vùng nướu tổn thương
Thường xuyên liên lạc với bác sĩ
Trên đây là một số thông tin về răng khôn, triệu chứng, tác hại và những lưu ý khi xử lý chiếc răng này. Hãy tìm đến cơ sở y tế uy tín khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nhé!