Có một lối sống khỏe mạnh đồng nghĩa với việc trẻ em được học cách chăm sóc bản thân, không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần. Sau đây là những lưu ý cơ bản để bắt đầu hành trình xây dựng lối sống khỏe mạnh cho trẻ.
- Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, vì vậy, một chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay sau khi trẻ thức dậy sẽ cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, để trẻ hoạt động cả ngày.
- Bất cứ khi nào có thể, hãy để trẻ cùng vào bếp và tham gia vào khâu chuẩn bị đồ ăn. Đây là cách để bạn vừa có thời gian gắn kết với trẻ, vừa giúp trẻ học thêm các kiến thức mới về thành phần, nguyên liệu.
- Đảm bảo rằng, chế độ dinh dưỡng của trẻ bao gồm 5 phần rau củ và trái cây trong ngày.
- Luôn nhắc nhở trẻ uống đủ nước, điều này sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng tập trung.
- Để trẻ ngủ đủ giấc theo độ tuổi. Từ 9 đến 11 tiếng mỗi ngày là cần thiết cho trẻ ở bậc tiểu học.
- Các chuyên gia khuyên rằng, trẻ em nên vận động ít nhất một tiếng mỗi ngày.
- Khuyến khích trẻ hạn chế thời gian tiếp xúc với các thiết bị màn hình điện tử như máy tính, điện thoại.
- Cha mẹ hãy trở thành tấm gương cho trẻ. Để xây dựng ý thức sống khỏe mạnh cho con từ sớm, bạn cần phải đảm bảo một lối sống tích cực cho chính mình.
5 phần rau củ một ngày là như thế nào
Trẻ em thường không thích ăn rau củ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên bắt ép trẻ một cách tiêu cực. Theo tổ chức NHS Anh Quốc, hãy cung cấp đủ 5 phần rau củ khoảng 400g, chia thành các phần nhỏ vào mỗi bữa ăn cho trẻ từ ba bữa chính đến đồ ăn vặt. Bên cạnh các loại rau củ phổ biến, một ly nước ép không đường khoảng 150ml cũng được coi như là một phần trong chế độ dinh dưỡng này. Tuy nhiên, các loại củ như khoai tây, khoai mỡ, khoai mì không được tính trong khẩu phần này vì chúng bổ sung nhiều tinh bột. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể làm các loại đồ ăn vặt sấy khô từ hoa quả để trẻ không bị chán.
Chơi các trò chơi về đồ ăn
Việc dạy trẻ về các nhóm thực phẩm sẽ trở nên thú vị hơn qua các trò chơi. Ví dụ, bạn có thể cùng trẻ chơi trò chiếc nón kỳ diệu, với mỗi ô là một loại thực phẩm, qua từng lượt bạn sẽ giải thích cụ thể lợi ích của từng thành phần. Một trò chơi khác đó là cùng trẻ đi siêu thị và thách đố trẻ tìm ra những loại thực phẩm có ích cho sức khỏe. Bạn cũng có thể để trẻ đến thăm quan các nông trại thực phẩm và giải thích về xuất xứ, nguồn gốc. Trẻ sẽ vừa có những hoạt động bổ ích ngoài trời, vừa học thêm nhiều kiến thức thú vị.
Đảm bảo trẻ uống đủ nước
Hiệp hội Sức khỏe Cộng đồng Anh khuyên rằng, ở độ tuổi lên bốn, trẻ em cần từ 1,1 đến 1,3 lít nước mỗi ngày. Hãy lưu ý rằng, việc thay thế bằng nước ép sẽ không hiệu quả vì nước ép trái cây có thể chứa hàm lượng đường cao. Khoảng 375ml nước ép tự nhiên sẽ là đủ cho trẻ nhỏ.
Xây dựng thói quen ăn uống
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc hình thành thói quen tốt như tác phong ăn uống, không ăn quá nhanh dù đang đói, đánh răng đều đặn hai lần một ngày sau bữa ăn là vô cùng quan trọng. Một số thói quen khác như tránh vận động nặng sau khi ăn, ăn đủ bữa và đúng giờ, quy định thời gian ăn vặt mỗi ngày cũng giúp xây dựng thói quen tốt cho trẻ ngay từ sớm.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Theo các chuyên gia Tâm lý học từ đại học California, Mỹ, giáo dục về cảm xúc và tinh thần cho trẻ nhỏ cần được xây dựng từ những năm đầu đời. Để có một lối sống khỏe mạnh về thể chất, trẻ cần đảm bảo có một môi trường tích cực để trưởng thành. Cha mẹ cần lắng nghe ý kiến của trẻ, dạy trẻ cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực, và mạnh dạn bày tỏ cảm xúc. Bạn cũng cần theo dõi những chuyển biến tâm lý của trẻ, và những thay đổi bất thường trong thói quen hàng ngày để hỗ trợ trẻ khi cần thiết hoặc tìm đến lời khuyên của các bác sĩ, chuyên gia.
Discussion about this post